Ngày 28/10/2021, VNA chính thức được IATA cấp gia hạn chứng chỉ an toàn khai thác IOSA. Kết quả này đánh dấu lần thứ 8 liên tiếp gia hạn thành công kể từ 2005 đến nay.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, ngành hàng không thế giới đang phải đối mặt với nhiều sự biến đổi và tác động như: sự sụt giảm đáng kể số lượng chuyến bay chở khách, liên tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng loại hình khai thác các chuyến bay chở hàng trên khoang khách, các chuyến bay hồi hương, mở rộng khu vực khai thác thông qua các điểm đến mới, cản trở về nguồn nhân lực, tài chính ngân sách…
Nhận định được các yếu tố tác động này, việc kiểm soát tuân thủ an toàn khai thác, nhận diện mối nguy hiểm, đánh giá rủi ro an toàn và quản lý sự thay đổi trở thành tâm điểm trong công tác An toàn – Chất lượng của Hãng hàng không nói riêng và của IATA nói chung.
Trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu, hầu hết các quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế người đi lại. Đây là một thách thức đối với hình thức đánh giá truyền thống “onsite audit” và chương trình đánh giá “remote audit” được lựa chọn làm phương án thay thế tạm thời với mục tiêu duy trì liên tục đảm bảo An toàn – Chất lượng khai thác nhưng cho phép giảm phạm vi đánh giá (từ 926 tiêu chuẩn còn 251 tiêu chuẩn).
VNA lần thứ 8 liên tiếp gia hạn thành công chứng chỉ an toàn khai thác IOSA. (Ảnh: VNA).
Theo thông lệ, chương trình đánh giá được thực hiện định kỳ 2 năm/lần. Tuy nhiên, với “remote audit” được thực hiện hàng năm để tăng cường và thắt chặt tính tuân thủ 4 mục tiêu cốt lõi của IATA:
► Đảm bảo Độ tin cậy của Chương trình đảm bảo An toàn chất lượng;
► Chuẩn hóa công tác đánh giá;
► Đảm bảo liên tục tuân thủ tiêu chuẩn IOSA;
► Tập trung vào việc thực hiện.
Nằm trong khuôn khổ của chương trình đánh giá IOSA nhằm kiểm soát liên tục các hoạt động khai thác, IATA kích hoạt và thúc đẩy chương trình kiểm soát báo cáo định kỳ, thực hiện từ đầu năm 2020.
Theo đó, các Hãng hàng không là thành viên của IATA nhận diện, đánh giá, đưa ra giải pháp và báo cáo IATA 60 ngày/lần đối với những tác động lên hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh nhằm ứng phó với thay đổi hiện hữu do ảnh hưởng của đại dịch.
IATA kích hoạt và thúc đẩy chương trình kiểm soát báo cáo định kỳ, thực hiện từ đầu năm 2020. (Ảnh: St).
Từ Quý III/2020, VNA đã triển khai chuẩn bị cho chương trình gia hạn chứng chỉ IOSA. Với sự chủ động và nỗ lực của Ban An toàn – Chất lượng (đơn vị chủ trì) cùng với các cơ quan, đơn vị trong TCT đã tiến hành rà soát, đánh giá nội bộ đảm bảo hoạt động của Hệ thống An toàn – Chất lượng trên mọi phương diện từ Khai thác bay, Bảo dưỡng tàu bay, Dịch vụ - Khai thác mặt đất, An ninh, huấn luyện đào tạo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn IOSA edition 13 – remote audit, chương trình đánh giá được thực hiện với 3 giai đoạn tại 19 cơ quan, đơn vị:
Giai đoạn 1: Rà soát của Cơ quan, Đơn vị (từ tháng 9 đến tháng 10/2020);
Giai đoạn 2: Đánh giá, rà soát của Ban An toàn – Chất lượng và khắc phục điểm không phù hợp (từ tháng 10/2020 đến giữa tháng 7/2021);
Giai đoạn 3: Đánh giá, kiểm chứng của IATA (từ 16/7 đến 23/7/2021).
VNA lựa chọn tổ chức đánh giá Aviation Quality Services GmbH (AQS) có nhiều kinh nghiệm nhất trong các tổ chức đánh giá của IATA và là đối tác được chúng ta lựa chọn qua 4 lần gia hạn IOSA 2005, 2009, 2013, 2017.
Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ đánh giá chính thức, toàn hệ thống đã tập trung nguồn lực rà soát quy định của VNA tuân thủ quy định IOSA, nhận diện các điểm phù hợp và không phù hợp, khắc phục điểm không phù hợp trước ngày đánh giá chính thức.
Hồ sơ báo cáo tuân thủ trình AQS là cơ sở dữ liệu, là kết quả và là bằng chứng chứng minh độ tin cậy, tính toàn vẹn của chương trình đánh giá An toàn - Chất lượng nội bộ của VNA.
Cùng với sự cố gắng, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị và những kinh nghiệm đã thu được từ các lần đánh giá trước, giữa tháng 7 vừa qua, VNA đã thực hiện thành công chương trình gia hạn chứng chỉ IOSA trong bối cảnh Việt Nam đang giãn cách xã hội.Hoạt động đánh giá được thực hiện qua hình thức video conference, live streaming. Vượt qua mọi cản trở và cách tiếp cận phương thức mới, VNA đã được AQS đánh giá cao.
Công tác khắc phục khuyến cáo được triển khai ngay sau đánh giá chính thức. Ngày 28/10 vừa qua, VNA chính thức được IATA cấp gia hạn chứng chỉ an toàn khai thác IOSA có hiệu lực đến 28/10/2022.
Công tác khắc phục khuyến cáo được triển khai ngay sau đánh giá chính thức. (Ảnh: ATCL).
An toàn là số một – the Safety first, VNA luôn đoàn kết - sáng tạo, nỗ lực tìm kiếm cơ hội, vượt qua mọi khó khăn, rào cản để đảm bảo an toàn khai thác, an toàn cho mỗi chuyến bay. Hãng liên tục duy trì và đáp ứng những thay đổi đảm bảo tuân thủ bộ tiêu chuẩn IOSA và hướng đến hoạt động bình thường mới trở lại, nhịp nối giao thương, văn hóa, du lịch được phục hồi.
Nguồn: http://spirit.vietnamairlines.com/ (Le Thu Trang-SQD)