Sau khi được Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) xác nhận đủ điều kiện về bảo đảm an ninh, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ngay lập tức cấp chứng chỉ khai thác các chuyến bay thường mại thường lệ cho VNA. Như vậy, VNA đã trở thành hãng hàng không Việt đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được thực hiện các chuyến bay thường lệ đến Mỹ.
Là cường quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, Mỹ cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng hàng đầu của ngành hàng không toàn cầu. Chính vì vậy, việc bay thẳng tới Mỹ được xem là bước ngoặt quan trọng khẳng định vị thế, uy tín của ngành hàng không Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể bay thẳng đến xứ sở cờ hoa là cả một hành trình gian khó kéo dài hàng thập kỷ của VNA nói riêng và nhiều Bộ, ban, ngành chức năng cũng như của ngành hàng không Việt nói chung.
Ngay từ những năm 2000, VNA đã thành lập văn phòng đại diện tại San Francisco nhằm xây dựng hệ thống bán và tiếp cận các nguồn khách hàng. Ở giai đoạn này, Hãng cũng bắt đầu hợp tác liên danh với một số hãng hàng không nội địa Mỹ, như American Airlines, Delta Air Lines... để thăm dò và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
Ngay từ những năm 2000, VNA đã thành lập văn phòng đại diện tại San Francisco. (Ảnh: VNA).
Thế nhưng, phải tới tháng 11/2016, Hãng mới bắt đầu tiến hành thủ tục tại các cơ quan chức năng của Mỹ và đã được Bộ Giao thông vận tải Mỹ (DOT) cấp Giấy phép khai thác 2 năm sau đó, tháng 08/2019. Cũng trong năm 2019, VNA là hãng hàng không Việt đầu tiên được cấp phép bay thương mại tới Mỹ và cấp slot (lượt cất, hạ cánh) cho các chuyến bay thẳng thường lệ.
Sau đó, VNA cũng là hãng đầu tiên được cấp phép bay khai thác các chuyến bay thuê chuyến quốc tế đặc biệt giữa hai nước, lần thứ nhất vào tháng 04/2020 và lần thứ hai vào tháng 06/2021, mỗi lần được phép khai thác tối đa 12 chuyến bay trong vòng 1 năm.
Các chuyến bay thuê chuyến quốc tế đặc biệt đều bị giới hạn về lịch bay, đối tượng, mục đích (như đưa công dân Việt hồi hương). Các chuyến bay này chỉ được phép khai thác trong khoảng thời gian quy định, sau khi kết thúc, hãng hàng không phải xin phép lại từ đầu. Trong khi đó, các chuyến bay thường lệ được thực hiện đều đặn theo lịch bay mà hãng hàng không công bố, không hạn chế mọi đối tượng hành khách và mở bán vé rộng rãi tại website, ứng dụng di động, phòng vé,... của hãng bay. Tất cả hành khách đều có thể tự tra cứu lịch bay, tùy chọn đặt chỗ, mua vé với mức giá phù hợp theo nhu cầu cá nhân trên các chuyến bay thường lệ.
Trước thời điểm ngày 25/10, tại Việt Nam chưa có hãng hàng không nào có đủ cả 2 giấy phép của Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) – 2 giấy phép quan trọng nhất để mở đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ. Các chuyến bay đang được khai thác đều là các chuyến bay thuê chuyến với điều kiện hạn chế về tần suất và thời gian.
VNA cũng là hãng đầu tiên được cấp phép bay khai thác các chuyến bay thuê chuyến quốc tế đặc biệt giữa hai nước. (Ảnh: VNA).
Đến 4/11, FAA đã cấp chứng chỉ khai thác các chuyến bay thường mại thương lệ cho VNA. Với sự kiện này, VNA đã trở thành hãng hàng không Việt đầu tiên và duy nhất được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ - quốc gia có hàng rào, thủ tục pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới.
Hiện tại, để phục vụ cho kế hoạch bay quốc tế nói chung và đường bay thẳng tới Mỹ nói riêng, Hãng đã hợp tác với Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) để áp dụng Hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass và đã thử nghiệm thành công trên một số chuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Anh.
VNA cũng đã lên kế hoạch mở đường bay từ TP.HCM đến San Francisco vào tháng 11 năm nay, và đặt mục tiêu sẽ chú trọng vào vận chuyển hàng hoá để bù đắp cho lượng hành khách thấp ban đầu trên đường bay này.
FAA đã cấp phép cho VNA khai thác thường lệ các chuyến bay chở khách hàng và hàng hóa để hiện thực hóa bay thường lệ đến Mỹ của hàng không Việt. (Ảnh: VNA).
Việc thực hiện bay thương mại thường lệ đến Mỹ ngay trong những khó khăn nhất do đại dịch Covid-19 tạo nên, VNA đã và đang thể hiện rõ vai trò của Hãng hàng không Quốc gia trong hành trình khẳng định vị thế của hàng không Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguồn: http://spirit.vietnamairlines.com/ (Thong Noi Bo-COMM)